Trong tất cả các bệnh quan trọng ở heo con, bệnh phổ biến nhất, quan trọng nhất, hoành hành nhất, tử số nhiều nhất (4 chữ nhất luôn) có lẻ là bệnh tiêu chảy trên heo con. Một trại tổ chức tốt nên có ít hơn 3% số ổ heo con bị tiêu chảy, và tử số nên ít hơn 0,5%. Trong các đợt bùng phát dữ dội, tử số có thể tăng lên 7% hoặc nhiều hơn và ở những bầy không điều trị, tử số có thể lên đến 100% (ở TGE gần như là 100%, cá nhân mình cũng đã phải hành quyết 4/7 bầy heo con bị nhiễm TGE, do heo <7 ngày tuổi, thiếu sức chống chịu với bệnh). Nguyên nhân gây tiêu chảy được thể hiện trong Bảng 1 bên dưới. 4 tác nhân virus chính là: TGE, Rotavirus, PED PRRS. Vi khuẩn gây bệnh chính là E.coliClostridial và kí sinh chính là vi khuẩn cầu trùng (Coccidia). Bài viết này do được biên dịch từ tài liệu nước ngoài nên chủ yếu nói về các tác nhân trên, ngoài ra cũng còn hàng loạt các tác nhân khác sẽ được đề cập sau.

CÁC NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY TIÊU CHẢY TRÊN HEO CON
Giai đoạn sớmGiai đoạn muộnTử số
0-3 ngày3-7 ngày7-14 ngày15-21 ngày
AgalactiaxxxxVừa phải
ClostridiaxxxCao
CoccidiosisxxxThấp
Colibacillosis (E.Coli)xxxVừa phải
PEDxxxxThấp
PRRSxxxxTùy tình trạng
RotavirusxxThấp
TGExxxxCao

Lúc mới sinh, hệ đường ruột heo con hoàn toàn vô trùng và có rất ít miễn dịch để chống chọi lại sự sinh sôi của vi khuẩn. Các vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập ống tiêu hóa sau khi sinh, trong số các loại vi khuẩn, kẻ cơ hội nhất là vi khuẩn thuộc chủng E.coli Clostridium perfringens.

Hệ miễn dịch ban đầu được cung cấp bởi một lượng lớn kháng thể có trong sữa đầu (IgG, IgM, IgA). Sau đó, các kháng thể có trong sữa đầu được hấp thu vào trong máu, miễn dịch tiếp tục được duy trì bởi kháng thể IgA có trong sữa, IgA được hấp thu vào trong màng ruột. Do đó, heo con mới sinh cần được bú đầy đủ sữa đầu càng sớm càng tốt để ngăn chặn các vi khuẩn cơ hội sinh sôi gây hại thành ruột gây tiêu chảy. Và heo con cũng cần phải bú liên tục, đầy đủ sau khi sữa đầu đã hết để đường ruột tiếp tục được bảo vệ bởi kháng thể có trong sữa.

Tại Việt Nam thì cũng có một số công ty có bán và phân phối sữa đầu cho heo con, ví dụ như: Colostrum do Anova phân phối, Ig One-S của Hàn Quốc, mình đã dùng thử cả 2 sản phẩm trên, tuy nhiên mình chỉ thấy nó hiệu quả trong một số trường hợp, còn nếu heo nái được tiêm phòng đầy đủ, đáp ứng miễn dịch tốt thì không cần thiết phải sử dụng. Chỉ dùng khi heo mẹ thiếu sữa, heo con số lượng quá đông, sữa mẹ không thể cung cấp đầy đủ kháng thể.

Tuy nhiên, kháng thể nhận được thụ động từ sữa đầu và sữa là có hạn và dễ dàng bị lây nhiễm bởi lượng lớn vi khuẩn tồn tại bên ngoài môi trường. Càng nhiều vi khuẩn xâm nhập thì nguy cơ gây tiêu chảy càng cao. Stress, mất nhiệt cũng đóng một vai trò quan trọng làm suy giảm sức đề kháng của heo con. Do đó, một mặt, ta phải cân bằng  giữa lượng kháng thể heo con nhận được, mặt khác chính là lượng vi khuẩn lây nhiễm và stress ngoài môi trường.

Heo con mất nhiệt, nằm sát nhau và sát góc chuồng.

Dấu hiệu lâm sàng

Tiêu chảy trên heo có thể xảy ra ở bất cứ ngày tuổi nào trong suốt giai đoạn bú mẹ nhưng thường được chia làm 2 gia đoạn, trước 5 ngày và khoảng 7 đến 14 ngày.

Thể cấp tính

Dấu hiệu duy nhất là heo con đang khỏe mạnh chết đột ngột. Mổ khám cho thấy viêm ruột nghiêm trọng, do quá đột ngột nên có thể không tìm được dấu hiệu nào khác bên trong.

Triệu chứng lâm sàng ở heo con bị nhiễm bệnh là:

  • Heo nằm chồng lên nhau, run rẩy ở một góc chuồng.
  • Vùng da xung quanh hậu môn và đuôi ướt.
  • Tìm kiếm xung quanh chuồng để tìm thêm dấu hiệu khác như: phân nước, màu kem, màu vàng. Trong nhiều trường hợp, phân có mùi tanh, khó ngửi. (Mỗi bệnh tiêu chảy đều có một mùi phân khá đặc trưng, bạn nào giàu kinh nghiệm chỉ cần ngửi mùi là biết cả bệnh :D)
Phân sắp tiêu chảy
Phân tiêu chảy cả dạng kem và dạng lỏng
  • Heo con tiêu chảy mất nước, mắt lõm, da nhăn, lông xù xì.
Heo con mất nước, mất nhiệt, sùi bọt mép, mắt lờ đờ.
  • Phân heo tiêu chảy thường dính trên da của những con heo khác, màu cam hoặc trắng. (nhiều khi heo tiêu chảy chưa nặng, nhìn dưới sàn không thấy phân, nhưng heo con có những con bị dính phân thì nên nghĩ ngay đến việc heo đang bị tiêu chảy)
Phân heo con tiêu chảy dính trên mình con khác

Và cuối cùng là co giật như thế này rồi chết. (Có thể hỗ trợ heo con mất nước, co giật bằng cách tiêm điện giải vào trong xoang bụng, bơm thêm sữa đầu cho heo con, tuy nhiên, nếu sau khi làm mà heo con vẫn không tự bú được thì không có cơ hội sống sót)

 

Thể á cấp tính

Triệu chứng tương tự thể cấp tính nhưng ít nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn nhưng tử số ít hơn. Loại tiêu chảy này thường được nhìn thấy ở giai đoạn 7-14 ngày, biểu hiện phân từ lỏng như nước đến sáp như kem, thường có màu vàng hoặc trắng.

Chẩn đoán

Cần nhìn nhận bức tranh tổng thể trước khi thực hiện chẩn đoán. Tiêu chảy bùng phát bất ngờ với số lượng lớn bầy (gần như là toàn đàn, kể cả heo nái, heo con, heo thịt), tiêu chảy dữ dội và tử số cao (ở heo con) thì ta có thể đoán do TGE, PED hoặc PRRS. Cần chẩn đoán phân biệt các bệnh trên và trước đó trong đàn đã từng phơi nhiễm với bệnh hay chưa. Nếu dịch bùng phát lần đầu tiên thường bùng nổ dữ dội. Các đợt bùng phát sau thì nhẹ hơn vì heo đã có miễn dịch một phần từ đợt dịch trước đó.

Tiêu chảy do Rotavirus thường xuất hiện vào từng đợt ở từng bầy riêng lẻ hoặc một nhóm các bầy heo con, thường xuất hiện ở 2/3 giai đoạn tiết sữa (các bạn nên xem lại bảng 1). Cầu trùng có chu kì ủ bệnh 6 ngày và thường ghép tiêu chảy từ 7 đến 14 ngày tuổi, do đó người ta thường phòng cầu trùng ở giai đoạn 3 ngày tuổi, và không khi nào điều trị thuốc cầu trùng cho heo dưới 7 ngày. Ít hơn 5 ngày tuổi thì nguyên nhân chủ yếu gây tiêu chảy là E.coli, triệu chứng tiêu chảy dữ dội, thường xảy ra ở heo nái tơ vì hệ miễn dịch vẫn còn kém, ngoài ra, theo mình thì heo mẹ bị viêm vú cũng gây nên tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng trên heo con, mình từng đau đầu vì đã tìm hết các nguyên nhân vẫn không hiểu vì sao heo con tiêu chảy, vì heo bị MMA ở thể nhẹ, ẩn sâu bên trong, không thể quan sát bằng mắt thường. Tiêu chảy do Clostridium cũng diễn ra trong độ tuổi này.

Chẩn đoán dựa trên dấu hiệu lâm sàng, đáp ứng với điều trị (bệnh do Virus không đáp ứng điều trị) và phân tích mẫu phân trong phòng thí nghiệm. Làm kháng sinh đồ. (Nước ngoài người ta chuyên nghiệp ở chỗ bệnh nào cũng được phân tích, làm kháng sinh đồ, còn ở VN chỉ có một số trại lớn hoặc một số địa phương nhất định làm được điều này, hy vọng thời gian tới Hội chăn nuôi TV sẽ liên kết được với Trường ĐH Trà Vinh hỗ trợ các trang trại làm kháng sinh đồ).

Điều trị

  • Một số kháng sinh trong bảng bên dưới hiệu quả với vi khuẩn E.coli và Clostridia. (Ngoài ra còn có Oxolianic Acid, mình dùng khá hiệu quả, nếu bạn nào đã dùng hết kháng sinh bên dưới mà cảm thấy không hiệu quả có thể liên hệ Hội chăn nuôi Trà Vinh để đặt thuốc)
MỘT SỐ KHÁNG SINH HIỆU QUẢ TRONG VIỆC ĐIỀU TRỊ TIÊU CHẢY TRÊN HEO CON VÀ CÁCH NÊN DÙNG
Đường uốngĐường tiêm
Amoxicyllinxx
Ampicillinxx
Apramycinx
Ceptifourx
Enrofloxacinxx
Framycetinx
Neomycin
Spectinomycinx
Streptomycinxx
Sulphonamidesxx
Trimethoprime/sulphaxx
Tylosinx
  • Ở một số đợt bùng phát dịch do E.coli nghiêm trọng, đàn heo nái cần được rãi lượng kháng sinh thích hợp mỗi ngày, từ lúc lên sàn đẻ cho đến 14 ngày sau khi đẻ. Việc này có thể hiệu quả trong việc làm giảm lượng vi khuẩn có trong phân heo nái. Mình khuyên nên chọn kháng sinh nhóm B-Lactam cho an toàn.
  • Quan sát ổ heo xem có sự hiện diện của tiêu chảy cả buổi sáng sớm và chiều tối.
  • Tìm hiểu lịch sử bệnh trong trại. Bệnh rãi rác, một con trong một bầy hay toàn bầy heo?
  • Lịch sử điều trị khi phát hiện bệnh lần đầu, điều trị riêng lẻ từng con bị bệnh hay điều trị cả bầy.
  • Đáp ứng điều trị. Nếu không giảm trong vòng 12 giờ thì nên thay đổi thuốc hoặc tìm lời khuyên từ bác sĩ thú y. (Các bạn có thể liên hệ Hội chăn nuôi Trà Vinh nhé)
  • Luôn điều trị heo con nhỏ hơn 7 ngày tuổi bằng đường uống.
  • Những con heo lớn hơn, bệnh ít nghiêm trọng hơn thì chích cho hiệu quả tương đương và dễ thực hiện hơn.
  • Cung cấp điện giải qua núm uống. Điều này giúp ngăn chặn sự mất nước và duy trì cân bằng điện giải.
  • Che chắn chuồng, lỗ gió lùa, lót rơm, giấy vụn, mùn cưa ở chỗ heo tiêu tiểu (tùy theo điều kiện chuồng).
  • Bật đèn úm để cung cấp đủ nhiệt.
  • Dùng các loại thuốc có kaolin để hấp thu độc tố từ ruột. (Anti Scour của Vemedim chẳng hạn)

Quản lý và ngăn chặn

  • Sát trùng ủng giữa các dãy chuồng. Dùng tạp-dề ni-long khi tiêm chích heo để ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh lên quần áo. Rửa tay sau khi bắt, ôm bầy heo bị bệnh. Sát trùng bàn chải, dụng cụ có liên quan đến bệnh.
  • Đảm bảo thực hiện cùng vào cùng ra ở chuồng đẻ, vệ sinh sát trùng sạch sẽ mỗi kì ra vào.
  • Chuồng đẻ phải khô ráo trước khi heo lên sàng. Luôn nhớ rằng ẩm, ấm, thức ăn thừa và phân là môi trường lí tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.
  • Sàn chuồng cần được vệ sinh thường xuyên. Sát trùng kém cộng với thoát nước kém dẫn đến tiêu chảy.
  • Quan sát cẩn thận ở nơi có phân heo con. Nơi đó có thoát nước, ẩm ướt không? Nếu có thì thêm tấm lót vào và thay mới mỗi ngày. Đây là điều quan trọng nhất cần thực hiện.
  • Kiểm tra núm uống, máng ăn có rò rỉ không? (nguyên nhân gây ẩm ướt, nấm mốc).
  • Luôn dọn phân chuồng nái mỗi ngày.
  • Luôn duy trì môi trường ấm áp và thoải mái. Nhiệt độ lên xuống thất thường là một tác nhân quan trọng làm cho heo con tiêu chảy ở giai đoạn 7-14 ngày.
  • Đừng có tiết từng đồng cho chi phí sưởi ấm. Rất nhiều trường hợp tiêu chảy do cố gắng tiết kiệm điện. Theo dân gian là một đồng sợ tốn, bốn đồng bù không đủ.
  • Kiểm tra gió lùa.
  • Cân nhắc sử dụng vaccine E.coli (nếu chắc chắn rằng đây là nguyên nhân gây tiêu chảy). Vaccine E.coli chỉ bảo vệ heo con trong khoảng từ 5-7 ngày tuổi.
  • Kiểm tra sức khỏe heo mẹ. Heo mẹ bị vêm tử cung, bệnh đường hô hấp, viêm đau, viêm vú dẫn đến heo con tiêu chảy.
  • Hạn chế việc sử dụng nguồn sữa thay thế nếu có thể, heo tiêu chảy thường hay gặp ở những bầy có số con đông, nên thử ghép bầy, cho bú thay phiên thay vì dùng sữa thay thế. Trừ khi con mẹ mất sữa.

Quản lý dòng sữa đầu

Heo con nhận được lượng lớn sữa đầu trong vòng 12 giờ đầu tiên, nhiều kháng thể chỉ có thể được hấp thu trong khoảng thời gian này. Các tác nhân như áp xe vú, sàn đẻ thiết kế kém, mẹ bị nhiễm agalactia gây phù nề tuyến vú, làm giảm lượng sữa, nếu mẹ bị phù nề tuyến vú chắc chắn bầy heo con sẽ bùng lên tiêu chảy. (thường gặp ở nái tơ và lứa 2 hơn những lứa rạ). Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy là E.coli thì nên cân nhắc việc sử dụng vaccine E.coli, ở những trại quản lí tốt thì chỉ cần thiết tiêm vaccine trên nái tơ, các nái già không cần thiết phải làm vaccine.

Trên đây là toàn bộ bài viết của mình, nguồn tham khảo các bạn có thể xem tại đây

Biên dịch: Hội chăn nuôi Trà Vinh team

Fanpage: https://www.facebook.com/hoichannuoitravinh/

 

3 thoughts on “Bệnh tiêu chảy trên heo con

  1. Pingback: Tỉ lệ chuyển hóa thức ăn (FCR) là gì? - Hội Chăn Nuôi Trà Vinh

  2. Pingback: Kháng sinh và hệ tiêu hóa - Hội Chăn Nuôi Trà Vinh

  3. Pingback: Tỉ lệ chuyển hóa thức ăn (FCR) là gì? | Cậu Vàng Phú Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *