Chào mọi người, tình hình là một số nái nhà mình có hiện tượng tiết dịch màu trắng đục như sữa, một số lợn cợn như phấn, số khác thì lại đục, có mùi tanh, số lại không, nói chung là đa dạng đủ cỡ. Đặc biệt nhất là mỗi lần sau khi phối xong, có con chảy ra cứ như là phối bao nhiêu ra hết bấy nhiêu. Ban đầu mình nghĩ đến bệnh viêm tử cung trên heo, nhưng càng theo dõi thì càng rối rắm và không chỉ đơn giản là viêm tử cung. Mình tham khảo thông tin từ nhiều người, nhiều nguồn, dịch bài từ các tài liệu uy tín trên The Pig Site, cuối cùng mình lượt bớt những thứ không cần thiết, tổng hợp lại trên bài viết này để chia sẽ cho các bạn tham khảo. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho mọi người.

Ảnh 1: Giải phẫu học ống sinh sản của heo nái

Đầu tiên chúng ta nên xem giải phẩu học của ống sinh sản trên heo nái, mình lười dịch lại hình ảnh nên các bạn chịu khó tra từ điển nhé. Dịch tiết ra từ âm hộ heo sau khi phối không có nghĩa là heo không  thụ thai, hầu hết các trường hợp đều do nhiễm khuẩn. Theo như trong ảnh thì dịch có thể sinh ra từ trực tràng, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung và tử cung. Dịch cũng có thể do viêm thận hoặc viêm bàng quang, mủ chảy ra ngoài theo nước tiểu. Mình tạm thời gọi nó là dịch thôi, vì có thể là dịch viêm, dịch sinh dục, dịch nhầy nào đó… Điều quan trọng là phải ghi chép lại khi lần đầu tiên thấy dịch viêm xuất hiện, màu, thành phần và tác động của chúng lên trên nái, như mình đã ghi chép lại nên mới phát hiện ra vấn đề, đau đớn là có những con nái, mình phối 4 lần mới đậu thai, đến khi đẻ ra chỉ có 3 con :(.

Dấu hiệu lâm sàng

Để nhận biết được dấu hiệu lâm sàng, đầu tiên chúng ta cần phải nhận biết được một số vấn đề sau:

Đầu tiên là nguồn gây ra và loại dịch tiết

NGUỒN VÀ LOẠI DỊCH TIẾT
Loại dịch tiếtNguồn
Dày đặc, trắng, mủ vàngÂm hộ

Âm đạo

Cổ tử cung

Tử cung

Dịch,  nhày, mủ, máu và nước tiểuBàng quang

Thận

Âm hộ

Âm đạo

Lốm đốm như phấnCặn nước tiểu từ thận và bàng quang
MáuĐứt mạch máu nội mạc

Lưu ý nếu dịch tiết có mùi hôi kèm máu chảy ra sau khi đẻ, có thể do heo con còn sót lại hoặc còn sót nhau.

Rồi, đến đây là bắt đầu đoán được một phần về một số loại dịch mình mắc phải rồi, điển hình như:

Ảnh 2: Dịch đục, màu sữa

Theo như bảng trên thì ta có thể suy đoán nó bắt nguồn từ âm đạo, cổ tử cung, tử cung.

Kế đến là bảng sau

DẤU HIỆU DỊCH TIẾT TRÊN NÁI KHỎE MẠNH

Thời gian xuất hiện dịch tiếtÝ nghĩa
1-4 ngày sau khi đẻ*Bình thường
>5 ngày tiết sữaKhông bình thường
Lúc phối*Bình thường
Đến 5 ngày sau khi phối*Bình thường
14-21 ngày sau khi phốiKhông bình thường
Suốt thời gian mang thaiKhông bình thường

*Nếu không nghiêm trọng và không liên tục

Vậy tấm hình bên trên của mình, heo xuất hiện dịch đục, màu sữa, kéo dài vào giai đoạn 14-21 ngày sau khi phối, nghĩa là KHÔNG BÌNH THƯỜNG, vậy từ đoạn này về sau mình sẽ gọi là dịch viêm. (Vì tài liệu họ chỉ dùng từ discharge, mà nó có nhiều nghĩa, nên mình sẽ thêm nghĩa phù hợp vào từng đoạn cho các bạn dễ hình dung).

Dịch tiết chảy ra quan trọng trong khoảng 14-21 ngày sau khi phối. Mép âm hộ của mỗi con nái cần được vạch ra kiểm tra hằng ngày và bất cứ chất nhày, dính hoặc một ít dịch tiết cần phải được chú ý, như mình thì mỗi buổi sáng và tối mình điều kiểm tra lại từng con, cả buổi trưa cũng xem. Những con nái nên được đánh dấu và nếu chúng lên giống lại có nghĩa đang có vấn đề. Những con nái tiết dịch (cả dịch trong lẫn dịch viêm) có thể vẫn đang mang thai, hãy luôn kiểm tra trước khi loại thải.

Theo như phân tích trên trang The Pig Site thì trong số 42 con họ thấy xuất hiện dịch tiết và không điều trị, kết quả là khi phối giống, chỉ có 28% là thật sự đẻ, còn 62% còn lại đều lên giống lại, 10% loại thải. Còn đối với mình thì tỉ lệ lên giống lại cũng khá cao, khoảng 50%.

Một số hệ quả khác của tình trạng viêm:

Ảnh 3: Heo con viêm rốn do mẹ bị nhiễm trùng từ trước.
Ảnh 4: Heo con viêm, sưng cơ quan sinh dục do mẹ bị nhiễm trùng.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán thì trước hết chúng ta cần phải biết một số vi khuẩn cơ hội gây nên hiện tượng viêm.

Sự lây nhiễm cơ quan sinh sản

Kẻ xâm nhập cơ hội
Chlamydia

E.coli

E.suis

Erysipelonthrix

Klebsiella

Leptospira bratislaval muenchen

Pasteurella

Proteus

Pseudomonas

Staphylococci

Streptococci (Nguyên nhân chính)

Kế đến là dựa vào ghi chép trong bảng sau:

SỰ KHÁC NHAU VỀ DẤU HIỆN  LÂM SÀNG GIỮA

NGUYÊN NHÂN LÀM GIẢM KHẢ NĂNG SINH SẢN DO LÂY NHIỄM VÀ KHÔNG DO LÂY NHIỄM

Không lây nhiễmLây nhiễm
Heo bị nâng++++
Lên giống lại
–       ở 21 ngày và không có dịch tiết++++
–       Ở 21 ngày và có dịch tiết++++
Lên giống lại: 23-28 ngày++++
Tiêu thai
–        Nái sức khỏe tốt++++
–       Bào thai khỏe mạnh++++
–       Thai khô hoặc thối rửa+++
Sow not in pig (gần giống nghĩa với nái nâng)+++++
Heo con bị khô
–       Bầy nhỏ và trung bình++++
–       Bầy lớn++++
Chết khi sinh
–       Nhiều với ổ đẻ trung bình++++
–       Với heo con khô thai++++

+ Nguyên nhân phụ, +++ Nguyên nhân chính

Kèm theo các tác nhân bên dưới cũng có liên quan đến việc chảy dịch âm hộ sau khi phối và giảm tỉ lệ sinh sản, bao gồm:

  • Mùa.
  • Giống heo nái
  • Nguồn gốc heo nái.
  • Nguồn gốc heo nọc.
  • Gieo tinh nhân tạo.
  • Viêm bàng quang.
  • Dịch tiết trong khi tiết sữa.
  • Sự can thiệp lúc đẻ.
  • Dịch tiết <5 ngày sau khi phối.
Ảnh 5: Heo ra dịch đục, màu sữa trong ngày lên giống.

Nếu phối giống vào cuối chu kì lên giống thì khả năng làm nhiễm khuẩn cổ tử cung cao hơn.

Một số nguyên nhân khác cũng đóng góp vào hiện tượng chảy dịch âm hộ ở heo:

  • Những bầy có số nái già nhiều
  • Chu kì tiết sửa ngắn (14-21 ngày)
  • Phối nhiều lần, nhiều nọc phối chéo.
  • Cầm nắm bao quy đầu và vắt trong khi giao phối (phối trực tiếp)
  • Không quan sát khi phối.
  • Phối vào giai đoạn cuối của chu kì rụng trứng.
  • Ẩm ướt, chuồng nọc dơ. Thoát nước kém. Phối liên tiếp.
  • Dơ bẩn, chuồng phối ẩm ướt và sử dụng liên tục mà không vệ sinh.
  • Chuồng ép nhỏ, khi con nái ngồi với tư thế chó ngồi sẽ gây viêm nhiễm âm hộ.
  • Nhốt heo hậu bị trong chuồng ép.
  • Nhiễm bẩn âm hộ, ví dụ khi nhốt heo hậu bị trong chuồng ép sát miệng cống, nơi dòng nước thải chảy qua.
  • Bào thai chết non.
  • Phối lại những con nái chảy dịch.
  • Dùng nọc già trên nái tơ.
  • Dùng nọc tơ trên nái già.

Điều trị

Trước khi chuyển qua phần điều trị, thì mình xin nói sơ về cách làm của họ, khá là chuyên nghiệp.

  1. Quan sát, ghi chép.
  2. Lấy mẫu bệnh phẩm, làm kháng sinh đồ. (Phần lớn các trại nhỏ lẻ đều không làm được bước này, chỉ dùng đại kháng sinh như Amox, nhiều trại giờ đã kháng cả Amox).
  3. Thực hiện điều trị.

Cách hiệu quả nhất là bơm 3ml kháng sinh vào trong âm đạo, trước cổ tử cung (không bơm sâu vào trong tử cung), theo như The Pig Site thì họ dùng que phối loại xài 1 lần, cắt ngắn còn 15cm sau đó bơm kháng sinh vào, không được bơm sâu vào cổ tử cung, chỉ bơm gần ở ngoài cho kháng sinh dễ trôi ra, nên thực hiện trong vòng 6-24 giờ kể từ lần phối cuối cùng. Quan trọng là sau khi thực hiện phải kiểm tra lại hiệu quả. Một biện pháp thay thế khác nữa là rải kháng sinh lên thức ăn từ lúc cai sữa cho đến 21 ngày sau khi phối. Ở những bầy mà bệnh diễn ra thường xuyên thì cách làm hiệu quả nhất là trộn kháng sinh cho toàn đàn trong vòng 10 ngày (loại kháng sinh hiệu quả nhất trong kháng sinh đồ).

Biện pháp quản lý, ngăn chặn.

  • Theo dõi âm hộ để kiểm tra dịch tiết.
  • Không nên phối vào chu kì động dục cuối.
  • Không phối lại những con bị viêm.
  • Chỉ phối những con nái khi nó hoàn toàn đứng yên trước heo nọc, nếu còn nghi ngờ, cứ đợi.
  • Đừng vội phối quá sớm.
  • Chỉ tập trung vào một việc.
  • Dùng một nọc cho một nái.
  • Tránh cai sữa <21 ngày.
  • Tránh chuồng nọc và chuồng phối ẩm ướt. Vệ sinh sát trùng chuồng định kì.
  • Tăng số lượng nái hậu bị có thể phối được. (ý này mình cũng không hiểu lắm, nguyên văn là Increase the number of gilts available for mating)
  • Độ tuổi của nái và nọc phải tương đương nhau.
  • Tránh việc âm hộ bị làm bẩn bởi phân từ cai sữa cho đến 14 ngày sau khi phối.

Các dòng in đậm màu tím là những lỗi mà mình mắc phải. Còn đây là cách điều trị của mình. Mình dùng chung phương pháp cho cả nái đang lên giống và nái mới đẻ.

1.  Nái đang lên giống.

  1. Tiêm Prostaglandin F2 vào ngày đầu tiên lên giống để tháo dịch viêm còn sót.
  2. Tiêm Ceptiket (Thành phần Ceptifour) liên tục 3-5 ngày. Tùy con.
  3. Thụt rửa tử cung liên tục 3 ngày bằng nước muối loãng hoặc Iodine.

2. Nái mới đẻ.

  1. Lúc đang đẻ, tiêm Ceptiket (Thành phần Ceptifour).
  2. 24 giờ sau sanh, tiêm Prostaglandin F2 để tháo sản dịch.
  3. Tiêm oxytocin 2ml 3 ngày liên tiếp để kích sữa, đẩy sản dịch ra ngoài.
  4. Thụt rửa tử cung 1-2 ngày bằng nước muỗi loãng, không hết thì rửa thêm.

Tạm thời ngoài Ceptifour ra mình chẳng biết nên dùng kháng sinh gì để trị viêm cho heo nái nữa, mình đang thử dùng Licomycin liều 300mg, cũng thấy khá hiệu quả. Bạn nào biết về thuốc điều trị viêm tử cung, hoặc trộn vào thức ăn để điều trị viêm tử cung (ngoài amox, norflox) thì cùng thảo luận nhé.

Nguồn bài gốc mình lấy từ đây cho bạn nào muốn tham khảo thêm

Biên dịch: Hội chăn nuôi Trà Vinh team

Fanpage: https://www.facebook.com/hoichannuoitravinh/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *